Như Huỳnh được khán giả và đồng nghiệp ưu ái đặt cho danh xưng “hoa hậu sân khấu cải lương” không chỉ bởi vẻ ngoài xinh đẹp mà còn từ tài năng ở nhiều lĩnh vực, từ cải lương tới điện ảnh, âm nhạc.
Năm 2016, Như Huỳnh đạt giải Á quân cuộc thi Tài tử tranh tài cùng diễn viên Gia Bảo. 2 năm sau, cô tiếp tục ghi dấu ấn trong cuộc thi hát bolero Tuyệt đỉnh song ca – cặp đôi vàng cùng với diễn viên điện ảnh Đông Dương và đạt giải Á quân.
Năm 2020, Như Huỳnh vinh dự nhận về 3 huy chương tại 3 cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp. Huy chương vàng Liên hoan sân khấu thủ đô tại Hà Nội, 2 huy chương bạc từ giải Trần Hữu Trang và Tài năng trẻ.
Mới đây, cô tiếp tục tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021 và đặc biệt gây ấn tượng, sự nể phục, xúc động với đồng nghiệp, cũng như khán giả khi thủ diễn nhân vật nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai trong vở diễn “Câu hò đất mẹ”.
Kể thế để thấy chặng đường hoạt động nghệ thuật của cô gái miền Tây này rất đáng tự hào. Và càng tự hào hơn khi cô đi lên từ hai bàn tay trắng, từ ý chí kiên cường, gạt đi nước mắt và biết bao tủi hờn để có được ngày hôm nay.
Nghệ sĩ Như Huỳnh hiện đang công tác tại nhà hát Cao Văn Lầu thuộc tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, cô làm việc chủ yếu tại TPHCM. Cô là nghệ sĩ đa năng ở nhiều lĩnh vực, từ cải lương đến kịch nói, truyền hình, điện ảnh và âm nhạc.
Bị xỉu tại hậu trường vì đuối sức
Tôi được biết khi diễn vai nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai trong vở diễn cùng tên tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021, Như Huỳnh gần như xỉu trong hậu trường vì kiệt sức?
Vào vai này, tôi bị đánh và khóc rất nhiều, chưa kể những phân đoạn hào sảng nên bị mất sức. Trước đó, tôi bị làm việc quá nhiều, liên tục phải đi lên đi xuống giữa Sài Gòn và Bạc Liêu. Tôi đang là diễn viên của nhà hát Cao Văn Lầu dưới Bạc Liêu. Gần Tết, tỉnh có nhiều chương trình rồi diễn tuồng hàng tháng.
Hiện tại, tôi cũng đang tham gia một bộ phim truyền hình. Phim đang quay nước rút cho kịp deadline nữa. Có những hôm, diễn xong ở Bạc Liêu là 11 giờ đêm, tôi chạy xe sáng đêm để lên Đồng Nai, Bình Dương cho kịp giờ quay. Quay xong lại chạy xe về Bạc Liêu, chỉ kịp make-up là lên sân khấu hát luôn. Gần 2 tháng trời đi lại liên tục như thế nên tôi mới bị đuối sức.
Mọi người phản ứng thế nào với tình huống đó?
Tôi cố gắng không để nhiều người biết. Tôi ngại. Người thương và hiểu mình thì không sao nhưng người không thương, họ có thể nói những câu làm mình đau lòng nên chỉ vài người biết thôi.
Là người của công chúng, chẳng phải Như Huỳnh nên quen và biết chấp nhận thị phi?
Có lẽ do tính tình của mình. Tôi chọn một cuộc sống yên lành, đơn giản, không muốn gây chú ý cho mọi người. Tôi cũng bị nhạy cảm, đôi khi một câu nói không đúng về mình cũng đủ làm tôi đau lòng. Tôi còn yếu “khoản này” lắm. (cười)
Là nghệ sĩ cải lương mà diễn kịch nói, bạn có lo ngại mọi người “định kiến” không?
Thật lòng thì lúc đầu, mọi người cũng sợ tôi diễn không ra chất thoại kịch. Tuy nhiên, sau vở diễn, sự hài lòng của mọi người, lời khen ngợi của mọi người đã làm tôi vô cùng hạnh phúc. Vì thoại kịch tuy không phải là sở trường của mình nhưng mình đã vượt qua được nỗi sợ và làm tốt.
Nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai của Như Huỳnh có quá nhiều cảnh khóc, bị tra tấn… nên cô bị mất sức khá nhiều. Cộng thêm khoảng thời gian trước, 2 tháng liên tục vất vả chạy show nên Như Huỳnh bị đuối sức, gần như bị xỉu tại hậu trường.
Phải nghỉ học sớm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ
Như Huỳnh đến với nghề thế nào?
Nói ra thì xấu hổ nhưng tôi không được như các bạn, được ngồi ghế nhà trường, được các thầy cô dạy dỗ, uốn nắn từng ly từng tí. Tôi không may mắn như vậy. Bây giờ, tôi mới đang hoàn thiện các bằng cấp, từ văn hóa phổ thông tới nghề nghiệp.
Tôi xuất thân là con nhà nông dân. Gia đình khó khăn nên tôi phải nghỉ học sớm. Sau này, tôi mới lên thành phố làm nghề. Bởi vậy, kinh nghiệm của tôi đến từ chính trường đời, từ sự thất bại ở các vai diễn đầu đời rồi học hỏi thêm từng ngày.
Tôi vừa đóng phim, vừa tập vở đi dự liên hoan lại vừa học văn hóa, học nghề nghiệp, chưa kể các công việc bên ngoài nên nhiều lúc, tôi không còn thời gian để ngủ. Nhưng tôi không than vãn vì đó là con đường mình chọn nên cố gắng vượt qua.
Hoàn cảnh lúc đó của gia đình thế nào mà tới mức Như Huỳnh phải nghỉ học sớm?
Hồi đó gia đình tôi xảy ra biến cố về tài chính, rất khó khăn, các em lại bị bệnh. Khi phải nghỉ học, tôi khóc quá trời. Mỗi lần thấy các bạn đi học ngang qua nhà, là tôi khóc.
Thầy cô giáo cũng tới động viên đến lớp nhưng tôi không thể đi học được, cần phải ở nhà phụ ba mẹ. Lúc đó, ba mẹ không có khả năng cho tôi đi học nữa, dù đã được miễn giảm 50% học phí.
Từ năm lớp 7, lớp 8, tôi đã cùng hai em đi làm thêm: dặm lúa, bắt ốc bươu bán cho những trại nuôi vịt, giăng lưới bắt cá đồng đem bán, đi nhổ năng, dưa… Hồi đó, bán 1 kg ốc bươu chỉ bán được 200 đồng cho nên bắt cả bao tải cũng chỉ được vài ngàn đồng bạc. Kiếm tiền rất khó khăn.
Chính vì vậy, sau này, khi có cơ hội làm việc, dù mệt, thở không nổi nhưng nhớ tới những tháng ngày muốn kiếm 5.000 đồng còn khó thì tôi lại ráng. Tôi tiếc việc nên bạc đãi với cơ thể và sức khỏe của mình.
Ít ai có thể ngờ, đằng sau vẻ ngoài xinh đẹp này, Như Huỳnh lại có một cuộc đời đầy vất vả.
Những ngày tháng quá kinh khủng…
Với hoàn cảnh như thế, tôi tò mò về cơ duyên đưa Như Huỳnh tới với nghề?
Hồi nhỏ, tôi hay nghe các chương trình radio trên đài. Chiều nào, đài cũng phát chương trình vọng cổ, cải lương. Tôi sáng dạ, nghe và thuộc hết từng câu thoại của nhân vật. Đi học, thầy cô và các bạn hay kêu hát, rồi tham gia các phong trào văn nghệ của trường của ấp của xã, huyện…
Các cô chú kêu đi thi. Tôi từng đạt giải A, giải B liên hoan Tài tử. Đi thi Tiếng hát nông dân cũng được giấy khen. Năm 2006, tôi đi thi Tiếng hát phát thanh truyền hình của tỉnh Cà Mau và đạt giải Nhì, năm đó không có giải Nhất.
Năm 2008, tôi thi Chuông vàng vọng cổ, vào tới chung kết rồi dừng ở top 5. Lần đầu tham gia một cuộc thi lớn, cỡ quốc gia mà mình bỡ ngỡ đủ thứ. Tôi lên Sài Gòn đi thi mà trong túi chỉ có hơn 100.000 đồng. May mà chương trình lo hết tiền ăn, ở cho thí sinh nếu không tôi cũng không đi thi được.
Thi xong, tôi lại về quê. Có người quen ở Sài Gòn kêu lên đi làm. Tôi định đi làm lễ tân. May mắn lúc đó, các anh chị tham gia Chuông vàng vọng cổ biết tôi. Họ tạo điều kiện cho tôi, đi đâu hát cũng đưa theo. Các anh chị đưa lương bao nhiêu cầm bấy nhiêu, miễn là mình kiếm được tiền.
Thật sự, tôi là đứa tay trắng lập nghiệp, bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu thị phi… nhưng không ai nghĩ thế. Họ nghĩ tôi có người đỡ đầu. Mỗi lần tôi có một cơ hội nhỏ làm nghề là họ nghĩ mình chắc phải đổi này đổi kia mới có được.
Họ không nghĩ là tôi đã phải trải qua bao nhiêu nước mắt, khó khăn, sự cô đơn, sống tằn tiện để trụ được ở Sài Gòn để có tiền gửi về quê cho ba mẹ mua gạo. Dù có buồn khóc thế nào thì khóc xong, mình cũng phải mạnh mẽ đứng dậy vì còn cả nhà đang chờ.
Hồi mới lên Sài Gòn, tôi ở nhờ nhà người quen, mỗi người 2, 3 tuần. Gia đình họ thấy tôi ở hoài, không đi thì nhìn mình với ánh mắt khó chịu. Thế là tôi đi. Tôi đi ra đường mà không biết sẽ đi đâu về đâu. Thuê được 1 căn phòng trọ thì hết tiền. Không còn tiền mua gối, nệm, tôi lấy chiếc khăn tắm lớn, trải ra sàn nằm ngủ.
Mất khoảng 5 năm như vậy, tôi mới tạm ổn định công việc, chỗ ở và có tiền để gửi về nhà. Thời gian đầu, mỗi tháng, tôi chỉ gửi được vài trăm ngàn đến 1 triệu, rồi từ từ mới nhiều hơn.
Chính vì đi qua những tháng ngày khó khăn cùng cực nên sau này, khi có điều kiện kinh tế, Như Huỳnh luôn âm thầm chia sẻ với người khác….
Khó khăn như vậy có lúc nào Như Huỳnh bị nản chí?
Có chứ. Tôi nản và về quê nhưng ở được 1, 2 tháng lại chịu không nổi, phải vượt lên tiếp. Hồi xưa, hễ ai hỏi tới giai đoạn bắt đầu lập nghiệp là tôi khóc vì những tháng ngày đó quá kinh khủng với một đứa con gái như tôi. Nhưng giờ tôi thấy mình lớn rồi, đủ bình tĩnh hơn để không khóc nữa.
Sau này, thêm nhiều nơi mời show tôi. Mọi người thấy tôi làm được nên giữ liên lạc và cho cơ hội, giới thiệu, giúp đỡ. Khi cuộc sống của tôi ổn, tôi thường trích tiền ra làm từ thiện. Có khi mua vài tấn gạo hay 5.000, 6.000 tập vở tặng cho các em học sinh khó khăn ở ngôi trường ngày xưa mình học.
Dù là những thứ nhỏ nhoi nhưng với một gia đình không làm ra tiền thì điều đó quan trọng lắm. Chính mình ngày xưa cũng thế, vì không có tiền mà phải nghỉ học nên tôi mong đem niềm vui tới những người hoàn cảnh tương tự mình. Tuy nhiên, tất cả những việc đó, tôi luôn làm trong âm thầm, không bao giờ khoe.
Hiện tại, Như Huỳnh còn nặng gánh gia đình không?
Tôi không còn nặng gánh như xưa nhưng vẫn đang lo cho ba mẹ và các em. Trong nhà, tôi là con cả, dưới còn 3 đứa em. Các em hiện tại cũng đã tạm ổn định. Em út đang học năm cuối trường luật. Hai em kia đã có công việc ổn định, một đứa đã có gia đình nên tôi cũng bớt lo.
Thời gian dịch bệnh vừa rồi, tôi cũng như mọi người, đều bị ảnh hưởng. Nhưng tình hình chung nên mình sống gói ghém lại từ khoản tiền đã tích cóp trước đó. Tôi vẫn có show nhưng không dám đi vì sợ dịch. Tuy không chật vật nhưng cũng không thoải mái chi xài được.
Năm nay tôi không nhận show Tết vì mười mấy năm không đón giao thừa với cha mẹ rồi. Tôi cảm thấy có lỗi nên năm nay sẽ dành cho gia đình.