Đã thực hiện được 120 tập trong tổng số 150 tập, Ký sự Việt Nam 54 dân tộc (biên kịch và tổng đạo diễn Đỗ Bèn, Hãng phim TFS sản xuất) đã cho người xem những khám phá, hiểu biết cơ bản về những tập tục, sinh hoạt của các dân tộc đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Ghi hình giới thiệu trang phục của người Dao quần cụt.Bộ phim Ký sự Việt Nam 54 dân tộc |
Ký sự tập trung giới thiệu về lịch sử, địa lý, văn hóa và sinh hoạt đời thường của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt. Bắt đầu từ chủ trương của HTV muốn có thêm nhiều phim ký sự trong nước, sau khi có nhiều ký sự nước ngoài rất thành công và dự án Ký sự Việt Nam 54 dân tộc được hình thành.
Phim được khởi quay từ tháng 1-2012 và đã hoàn thành tập phim về các dân tộc đang sinh sống trên vùng phía Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, miền Trung và Tây Nguyên. Vùng Đông Bắc và Tây Bắc có 28 dân tộc. Đồng bằng Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên có 22 dân tộc. Điểm nhấn của ký sự là tập trung phản ánh nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi nhóm của một tộc người đều có những đặc thù văn hóa riêng, nhóm làm phim đi sâu khai thác để tránh trùng lắp, đơn điệu.
Đạo diễn Đỗ Bèn cho biết: “Khó khăn lớn nhất với ê kíp làm phim chính là sự di chuyển và ngôn ngữ. Vì muốn tìm kiếm những dân tộc vẫn còn giữ văn hóa nguyên bản, chưa bị giao thoa văn hóa hay ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường nên đoàn phim phải di chuyển đến những vùng sâu, vùng xa, đi lại rất khó khăn, ngôn ngữ lại bất đồng; có nơi người dân vì ít giao tiếp, có cách sống đơn giản nên bày tỏ còn rất chân chất, vì vậy đoàn phim rất khó giao lưu. Khắc phục những khó khăn này, chúng tôi tập trung chuyển tải vào phim những thông tin ghi nhận về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, lễ nghi, dân ca dân vũ, nhất là những lễ hội mang tính cộng đồng cao còn được lưu giữ”. Những hình ảnh về đời sống, phong tục của các dân tộc trong ký sự, đem lại cho người xem nhiều điều thú vị. Một đám cưới với nghi lễ đặc biệt của người Mông; những câu hò, trò chơi mang đậm tính dân gian được lưu giữ từ đời này qua đời khác của dân tộc Mường; lễ hội Khai hạ, Gàu tàu mở đầu một mùa xuống đồng vào mùa mới của dân tộc Mông, Tày, Nùng; lễ hội đâm trâu của dân tộc Ca Tu sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên…
Qua Ký sự Việt Nam 54 dân tộc, lần đầu tiên khán giả có thêm nhiều thông tin mới, được hiểu biết rõ về văn hóa, đời sống của từng dân tộc và đem lại cho người xem những cảm xúc thật thú vị, ấn tượng. Cũng từ những thước phim kỳ công này, một lần nữa chúng ta thật sự tự hào vì không có đất nước nào lại có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống (trong những dân tộc ấy lại có những nhóm tộc nhỏ) cùng chung sống thuận hòa, cùng chung sức dựng nước và giữ nước trong hàng ngàn năm qua. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam – nơi đất lành chim đậu và là một đất nước hiền hòa, yêu chuộng hòa bình. Theo đạo diễn Đỗ Bèn, điều làm anh thấy vui nhất là cảm giác phim được thực hiện rất đúng lúc, đúng thời điểm vì: “Phim chỉ làm chậm chừng 1 năm thôi, nhiều sinh hoạt văn hóa của một số dân tộc sẽ biến mất hoặc sẽ bị sự tác động của giao thoa văn hóa làm biến đổi”.